Căng Mình Phòng, Chống Bão Số 3 – Bão Sơn Tinh

Chưa kịp khắc phục hậu quả do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chính quyền và người dân các tỉnh bắc Trung bộ và Ninh Bình lại đang phải căng mình để phòng, chống cơn bão số 3 (Sơn Tinh).

Hơn 7.000 tàu thuyền ở tỉnh Thanh Hóa đã được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Minh Hải

THANH HÓA DỪNG TẤT CẢ CÁC CUỘC HỌP ĐỂ CHỐNG BÃO SỐ 3

Sáng 18.7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp dừng tất cả các cuộc họp, tổ chức các đoàn về những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng ven biển, các huyện miền núi để chỉ đạo công tác ứng trực, phòng, chống cơn bão số 3.

Hiện hơn 7.000 phương tiện tàu thuyền của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Tại các khu vực ven biển, người dân cũng đã chủ động chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán.

Ngoài ra, theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Thanh Hóa, đến trưa 18.7, mưa kéo dài nhiều ngày qua đã làm ngập úng hơn 13.292 ha lúa. Các công ty thủy nông phải vận hành 53 trạm bơm 24/24 giờ để tiêu nước đệm cho lúa. Mưa lũ cũng đã làm hơn 400 hộ dân ở huyện Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn bị ngập.

Hơn 400 ngôi nhà ở tỉnh Thanh Hóa bị ngập. Ảnh: Minh Hải

Các tuyến quốc lộ 15C và 217, tỉnh lộ 114 và 521D bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt. 90 vị trí đường tuần tra biên giới ở các huyện miền núi Thanh Hóa bị sạt lở với khối lượng ước khoảng 25.000 m3 đất đá, 150 cống và hố bị vùi lấp.

Trưa 18.7, Jetstar Pacific phát đi thông báo cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, để bảo đảm an toàn bay, hãng hàng không này hủy 4 chuyến bay đi và đến sân bay Vinh (Nghệ An) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào chiều tối cùng ngày. Lịch tăng chuyến bay bù vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thực hiện vào ngày mai (19.7).

NGƯỜI DÂN VEN BIỂN NGHỆ AN GẤP RÚT GIA CỐ NHÀ CỬA

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, tổng lượng mưa từ ngày 13.7 đến sáng 18.7 phổ biến từ 250 – 500 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn như: huyện Quỳ Châu 267 mm, huyện Đô Lương 281 mm, huyện Nam Đàn 327 mm, thành phố Vinh 40 5 mm, huyện Quỳnh Lưu 291 mm, thị xã Cửa Lò 514 mm, huyện Hưng Nguyên 524 mm.

Người dân tỉnh Nghệ An gấp rút gia cố lại nhà cửa phòng, chống bão số 3 – Bão Sơn Tinh

Tại huyện miền núi Quỳ Châu mưa to đã khiến các xã Châu Bính, Châu Tiến bị chia cắt do ngập lụt. Tại huyện Con Cuông, một số cầu tạm bị cuốn trôi, chia cắt giao thông. Mưa lớn kèm theo nước chảy xiết đã khiến cầu tạm qua bản Bạch Sơn của xã Cam Lâm hư hỏng, cô lập 80 hộ dân. Cầu tràn Hiếu thuộc xã Nghĩa Thịnh trên quốc lộ 48E nối xã Nghĩa Thịnh với xã Nghĩa Hưng nước ngập sâu khoảng 1 m, chính quyền địa phương đã cắm biển báo cấm người và xe cộ qua lại.

Để đối phó với bão số 3, sáng nay, người dân ven biển Nghệ An tập trung chằng chống nhà cửa, hàng quán ven biển. Tại Cửa Lò, một số nhà hàng vẫn mở cửa đón khách, trong khi nhiều nhà hàng phải đóng cửa để chằng chống tránh bão.

Nhiều công trình bằng mái tôn được người dân tỉnh Nghệ An gia cố rất kỹ lưỡng. Ảnh: Khánh Loan

THỦY ĐIỆN TẠI HÀ TĨNH XÃ LŨ
Sáng 18.7, tại buổi họp cuối cùng của kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu các cấp ngành, người dân nghiêm túc thực hiện các công điện của UBND tỉnh về chủ động ứng phó với cơn bão số 3.

Đặc biệt, phải chủ động phòng tránh, dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.

Ông Sơn cũng yêu cầu đoàn công tác của Tỉnh ủy xuống cơ sở, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt “4 tại chỗ”; các ban phòng chống bão lụt, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng chống mưa bão…

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão nên toàn tỉnh có mưa, trưa chiều có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100 – 300 mm, có nơi trên 300 mm. Do mưa lớn, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã xã lũ điều tiết với lưu lượng 203 m3/s, thủy điện Hương Sơn xã lũ với lưu lượng từ 20 m3/s.

Nhiều nhà dân ở tỉnh Hà Tĩnh đang bị ngập nước và chia cắt. Ảnh: Phạm Đức

Tính đến 17 giờ chiều 17.7, do ảnh hưởng của mưa lớn nên trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra ngập cục bộ một số diện tích lúa hè thu tại các địa phương như: huyện Vũ Quang 50 ha, huyện Đức Thọ 1.657 ha, huyện Lộc Hà 383 ha, thành phố Hà Tĩnh 65 ha, huyện Hương Sơn 320 ha, huyện Can Lộc 500 ha, huyện Hương Khê 320 ha và huyện Thạch Hà 200 ha. Ngoài ra, tại các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê và Nghi Xuân có gần 1.000 ha diện tích ngô, đậu bị ngập.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, cho biết mưa lớn trong 3 ngày qua khiến một số thôn với khoảng 50 hộ dân ở các xã 2 xã Đức Lĩnh, Đức Hồng, bị nước lũ chia cắt, tạm thời đang bị cô lập.

Còn ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho hay chính quyền địa phương đang triển khai di dời một số hộ dân nằm trong vùng có thể ngập sâu ở thôn 5, xã Xuân Viên và một số hộ dân sống gần đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở xã Xuân Lam.

Ninh Bình còn 28 ngư dân hoạt động trên vùng biển gần bờ
Theo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, cho biết, đến 9 giờ ngày 18.7, vẫn còn 13 phương tiện/28 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển gần bờ và đang kêu gọi vào bờ tránh trú.

UBND huyện Kim Sơn đã triển khai phương án di dân với 117 lao động ở chòi nuôi ngao, yêu cầu phải vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Theo Báo Thanh Niên

Để tiện cho việc theo dõi hướng đi của Bão Số 3 – Bão Sơn Tinh, duonghungthinh.com xin được cập nhật từ nguồn Windy.


Dự báo đường đi bão số 3 – Sơn Tinh ngày 18/7: Dự báo chiều và tối nay, bão số 3 sẽ đổ bộ vào khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh sau đó suy yếu nhanh trên đất liền.

Compare listings

So sánh